Rơ lưỡi là một việc mẹ nên làm cho bé, từ khi bé mới chào đời cho đến khi lớn. Động tác này giống như mẹ đánh răng, vệ sinh miệng cho bé vậy. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn một số cách rơ lưỡi quen thuộc với các độ tuổi khác nhau.
Các trường hợp bé cần rơ lưỡi
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, bạn không cần rơ lưỡi thường xuyên vì lưỡi của bé thường rất sạch. Khoảng từ 2 đến 3 ngày bạn rơ lưỡi cho bé 1 lần là được.
Với trẻ kết hợp vừa bú mẹ, vừa bú sữa ngoài thì mẹ nên rơ lưỡi cho bé 1 lần / 1 ngày vì trên lưỡi của bé có thể động các cợn sữa.
Với trẻ bú sữa ngoài hoàn toàn thì bạn nên rơ lưỡi cho bé 2 lần / 1 ngày, tốt nhất là làm vào lúc đói, lúc vừa tắm xong. Sau mỗi cữ bú bạn nên cho bé uống một chút nước ấm để tráng miệng. Nếu thấy lưỡi trẻ bị nấm trắng, phồng, đỏ, đau thì bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Một số cách rơ lưỡi cho trẻ
Một số cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh từ 0 đến 4 tháng
Với trẻ sơ sinh, bạn chỉ nên rơ lưỡi bằng nước ấm, nước muối sinh lý là an toàn nhất.Bạn hãy mua một miếng gạc y tế, quấn vào đầu ngón tay trỏ, nhúng đều vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý rồi đưa tay vào miệng bé, rơ nhẹ nhàng từ trái sang phải theo chiều ngang.
Chú ý: bạn cần rửa sạch tay trước khi tiến hành rơ lưỡi; không nên rơ từ trong ra ngoài theo chiều dọc, vì dễ kích ứng họng khiến trẻ nôn ọe.
Một số cách rơ lưỡi cho trẻ trên 5 tháng
Với trẻ trên 5 tháng, bạn có thể sử dụng nước rau ngọt hoặc lá hẹ để rơ lưỡi cho bé. Cách làm rất đơn giản. Bạn chọn loại rau ngót sạch hoặc lá hẹ sạch, ngâm khoảng 10 phút trong nước muối loãng, vớt để ráo nước. Sau đó, bạn cho rau ngót (hoặc lá hẹ) vào nồi đun sôi, nghiền nát lấy nước. Bạn hãy chắt lấy một lượng nước rau ngót (nước lá hẹ) vừa đủ, dùng gạc sạch quấn vào ngón tay trỏ rồi tiến hành rơ lưỡi như lúc bé còn nhỏ. Bạn có thể thực hiện hai lần liên tiếp mà không sợ ảnh hưởng đến bé.
Một số cách rơ lưỡi cho trẻ trên 12 tháng
Nhiều mẹ truyền tai nhau rơ lưỡi cho trẻ bằng mật ong nhưng thực tế bạn chỉ nên sử dụng mật ong đối với trẻ trên 12 tháng thôi nhé, phòng tránh trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ngộ độc mật ong. Cách làm cũng khá đơn giản. Bạn chọn loại mật ong nguyên chất, lấy lượng vừa đủ ra chén, dùng gạc sạch quấn vào tay, nhúng nước mật ong rồi rơ lưỡi lần lượt như trên.
Trên đây là một số cách rơ lưỡi khá phổ biến cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để các mẹ tham khảo. Hãy nhớ, trong khi rơ lưỡi, bạn luôn cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ và động tác cần thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo, tránh để bé bị nôn ọe.
Nguồn hình ảnh: Internet.