Dạy trẻ biết ý nghĩa cây nêu ngày Tết

Dạy trẻ biết ý nghĩa cây nêu ngày Tết

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Ý nghĩa của cây nêu ngày Tết là điều bố mẹ nên dạy cho con để biết được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Câu đối này đã trở nên quen thuộc ngày Tết với hình ảnh cây nêu mỗi độ Tết đến Xuân về, không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc, biểu tượng thiêng liêng mà còn gắn liền với một sự tích của dân gian. Và chắc chắn bé nhà bạn cũng rất muốn biết được ý nghĩa của cây nêu ngày Tết:

Về sự tích:

Dạy trẻ biết ý nghĩa cây nêu ngày Tết

Khi mà trời đất còn hỗn mang, người và quỷ sống chung với nhau, quỷ mạnh chiếm hết ruộng đất, khiến cuộc sống người dân đói kém, lầm than.

Sau nhiều lần quỷ cướp không lương thực, của cải mà người làm ra với trò “ăn ngọn cho gốc”.

Phật nói với loài Người hãy thương lượng với lũ Quỷ để Người có thể mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa.

Và Người sẽ trồng một cây tre, trên ngọn treo áo cà sa và đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy.

Bọn Quỷ nghĩ  rằng khoảng đất đó chẳng đáng là bao nhiêu nên đồng ý, và hai bên giao ước với nhau như vậy

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Sau đó Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời cao. Tự nhiên đất trời trở nên tối lại, là do bóng của áo cà sa che kín mặt đất.

Cuối cùng, lũ quỷ không còn đất nữa mà phải lùi ra biển. Nhưng chúng tập hợp lực lượng phản công hòng chiếm lại đất. Biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật và Người sử dụng những thứ ấy làm vũ khí. Quỷ bị đại bại.

Về ý nghĩa

Theo truyền thống, cứ đến ngày 23 tháng Chạp – là ngày Táo quân về trời, các gia đình đều dựng cây nêu để đón Tết. Vì theo quan niệm, sau ngày 23, Táo quân về chầu trời, nhân cơ hội đó ma quỷ có thể lẻn vào quấy nhiễu, và cây nêu giúp xua đuổi tà ma. Và ngày 7 âm lịch thường làm lễ hạ nêu.

Cây nêu có muôn hình muôn vẻ, có thể từ cây tre, cây trúc,…và cao từ 5 – 6 mét, được bỏ cành lá, chỉ để lại duy nhất ngọn còn lá. Dân ta sẽ treo lên đó một vòng nhỏ có buộc nhiều thứ khác nhau theo truyền thống địa phương. Đó có thể là lá cờ, chuông gió hay chiếc khánh.

Và cây nêu là biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc.

Nhiều nơi, cây nêu còn được treo thêm đèn lồng vào buổi tối với mong muốn chỉ đường cho tổ tiên ông bà về ăn Tết với con cháu. Hoặc cây nêu có treo thêm bánh pháo, đốt để đón mừng năm mới.      

Nguồn hình ảnh: Internet.